Bệnh Dịch tả heo châu Phi được công bố chính thức tại Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 19/02/2019. Các biện pháp kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt đã được triển khai, tuy nhiên hiện nay bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục lây lan mới tại một số vùng chăn nuôi heo. Thiệt hại kinh tế do bệnh Dịch tả heo châu Phi vô cùng nghiêm trọng do chưa có vắc-xin để phòng, cũng như không thể điều trị bằng kháng sinh. Việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của bệnh Dịch tả heo châu Phi phải bắt đầu từ các chuồng, trại chăn nuôi heo. Theo quy định hiện tại, heo tại các hộ, trại nếu bị bệnh Dịch tả heo châu Phi sẽ đều bị tiêu huỷ. Tuy nhiên, nếu kiểm soát và hạn chế được sự lây nhiễm ngay từ trong chuồng, trại… sẽ hạn chế được sự lây nhiễm giữa các trại và khu vực và giảm thiểu được thiệt hại. Bài viết xin chia sẻ vài ý kiến nhằm góp phần hỗ trợ người chăn nuôi heo giảm thiệt hại do bệnh Dịch tả heo châu Phi gây ra.
1. Tác nhân gây bệnh
Bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) do một loài virus ADN, thuộc giống Asfivirus, họ Asfarviridae, có vỏ bọc ngoài (envelope) gây ra. Do là virus có vỏ bọc ngoài nên virus rất dễ bị vô hoạt và tiêu diệt bởi nhiều loại chất sát trùng, kể các chất tẩy rửa (bột giặt, xà bông…).
2. Đặc điểm bệnh ASF
ASF có thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần, vì vậy các hộ, trại khi nhập heo về cần hết sức lưu ý cách ly heo để ngăn ngừa lây nhiễm ASF virus vào đàn heo. Bệnh diễn tiến rất nhanh, heo sốt rất cao, bỏ ăn và có thể chết nhanh trong vòng 3 ngày, thể trạng vẫn tốt. Heo bệnh có thể có biểu hiện đỏ da, tím tái, xuất huyết ở các vùng da mỏng (tai, mông, bẹn…). Tuy nhiên nhiều trường hợp heo bệnh ở Việt Nam không ghi nhận dấu hiệu heo tím tái, xuất huyết. Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu của dịch bệnh ASF, trên 80% ca bệnh dương tính với ASF virus heo có dấu hiệu sốt cao và bỏ ăn, trong khi đó chỉ có khoảng dưới 20% ca bệnh dươgn tính với ASF virus có dấu hiệu đỏ da, tím tái.
Do vậy, dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên ở heo bệnh ASF trong thời điểm dịch bệnh đang xảy ra nghiêm trọng như hiện nay đó chính là heo sốt rất cao, bỏ ăn và chết nhanh trong vòng 3 ngày, kể cả đã được điều trị bằng kháng sinh. Đây được xem là dấu hiệu chỉ báo cho việc cách ly heo, lấy mẫu xét nghiệm và tiêu huỷ sớm để tránh lây nhiễm trong đàn heo.
Bệnh ASF tuy gây chết nhanh nhưng lại lây nhiễm chậm. Nếu phát hiện và cách ly sớm heo nghi ngờ nhiễm ASF, và tiêu huỷ sớm heo bệnh ASF, có thể hạn chế sự lây nhiễm ASF virus trong trại, giảm nguy cơ lây nhiễm ASF virus ra bên ngoài.
3. Sự bài thải và lây truyền của ASF virus
Virus được bài thải qua và lây nhiễm chủ yếu qua máu, phân và dịch tiết xoang miệng. Do vậy, trong trại, ASF virus lây nhiễm chính qua 3 con đường: đường máu (tiêm chích), vệ sinh chuồng (ủng, quần áo… dính phân) và tiếp xúc trực tiếp giữa heo và heo. ASF virus lây nhiễm rất chậm, nếu kiểm soát tốt 3 con đường lây nhiễm trên, có thể hạn chế hiệu quả sự lây nhiễm của ASF virus trong đàn và trong trại. Việc mổ khám để chẩn đoán bệnh là điều cần thiết, tuy nhiên trong trường hợp bệnh ASF thì đầy là yếu tố nguy cơ phát tán và lây nhiểm virus rất cao. Mẫu xét nghiệm ASF virus ở heo bệnh chỉ là mẫu máu đông bình thường. Vì thế, khuyến cáo không nên mổ khám heo nghi ngờ bệnh ASF để quan sát bệnh tích hay lấy mẫu nếu việc mổ khám không được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn và trong điều kiện kiểm soát an toàn sinh học nghiêm ngặt.
4. Biện pháp can thiệp hạn chế sự lây nhiễm ASF virus trong đàn và trại
4.1 Đường máu: ASF virus có rất nhiều trong máu heo bệnh, tồn tại và có khả năng lây nhiễm nhiều tuần trong vật chứa có máu heo bệnh. Đây là nguồn virus phát tán và lây nhiễm chính trong và ngoài trại. Theo thói quen, khi có heo bệnh, nhân viên trại thường sẽ chích thuốc để điều trị và thường chỉ sử dụng 1 ống chích, thậm chí một kim tiêm cho tất cả heo trong chuồng, trong đàn. Như vậy, chỉ cần 1 heo bệnh ASF, cả bầy, đàn heo có thể bị nhiễm ASF virus trong thời gian rất ngắn. Dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát. Do vậy, giải pháp khuyến cáo như sau:
- Cách ly càng sớm càng tốt: nhân viên trại phải thường xuyên theo dõi tình trạng heo trong trại. Ngay khi phát hiện heo bệnh sốt cao, bỏ ăn, lập tức cách ly heo bệnh ở ô chuồng cách ly có vách ngăn kín.
- Lấy mẫu xét nghiệm: Không mổ khám. Lấy mẫu máu gửi đi xét nghiệm ASF virus.
- Điều trị: Do là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cần báo sớm với cơ quan thú y, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm nếu thú y cho phép có thể áp dụng biện pháp mỗi heo tiêm 1 ống tiêm. Tiêm thuốc kháng sinh phổ rộng (Tulathromycin (Tulavitryl), enrofloxacin (Enroxic LA), ceftiofur (Ceptifi), cefquinome (Cequin 250)…), thuốc hạ sốt cho heo, theo dõi diễn tiến bệnh trong vòng 1 – 2 ngày, nếu không có dấu hiệu thuyên giảm, nên tiêu huỷ.
- Tiêu huỷ càng sớm càng tốt và không mổ khám: Tiêu huỷ ngay lập tức tất cả heo ở cùng khu chuồng cách ly. Nếu được nên kết hợp tiêu huỷ bằng biện pháp đốt + chôn. Lưu ý các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt trong quá trình tiêu huỷ đối với heo bị tiêu huỷ (không di chuyển heo tiêu huỷ vào khu vực heo chưa bệnh…), người và phương tiện tham gia tiêu huỷ heo. Cần hạn chế số người tham gia tiêu huỷ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

4.2 Vệ sinh chuồng, trại
Phân heo là nguồn lây nhiễm ASF virus chính thứ hai sau máu. ASF virus tồn tại và có khả năng lây nhiễm 1 tuần trong phân heo bệnh. Các vật dụng, trang thiết bị dính phân heo bệnh sẽ mang ASF virus và được lây truyền bởi nhân viên chăm sóc heo khi đi từ chuồng này qua chuồng khác, hoặc các nhân viên công ty, phương tiện vận chuyển tải virus từ trại này qua trại khác; nơi này qua nơi khác... Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ASF virus qua phân, chất thải của heo bệnh, các trại phải yêu cầu nhân viên trại thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học tối thiểu trong vệ sinh chuồng, chăm sóc heo trong trại. Nếu có thể, trại nên tăng cường các chậu thuốc sát trùng ở từng ô chuồng, thực hiện sát trùng ủng ở từng ô chuồng, hoặc trang bị ủng cho từng ô chuồng... nhân viên phải sát trùng ủng hoặc thay ủng mỗi khi đi vào ô chuồng mới; có thể đeo găng tay y tế khi chăm sóc heo và thay găng tay mỗi khi vào chuồng mới. Nếu không, có thể rắc vôi bột toàn bộ lối đi để hạn chế sự sống của ASF virus khi virus tiếp xúc với vôi.
Dọn phân và xịt rửa chuồng thật sạch, phun thuốc sát trùng nền, sàn chuồng ít nhất 2 ngày một lần. Nhân viên chăm sóc heo bệnh phải tắm sạch trước khi trở vào chăm sóc heo lần sau.
4.3 Tiếp xúc trực tiếp heo – heo
Để hạn chế lấy nhiễm ASF virus từ heo ở chuồng nay sang chuồng kế bên qua sự tiếp xúc trực tiếp, các trại có kiểu chuồng vách ngăn hở, nếu có thể, nên điều chỉnh thành vách ngăn kín, giảm mật độ đàn.

5. Biện pháp can thiệp hạn chế sự lây nhiễm ASF virus ở các hộ nhỏ lẻ
Đối với các hộ nhỏ lẻ, điều kiện quản lý an toàn sinh học không giống như ở các trại. Một vài biện pháp cơ bản, nếu áp dụng được cũng có thể hạn chế sự lây nhiễm ASF virus trong bầy heo, cũng như cho các hộ chăn nuôi khác (Hình 3). ASF virus dễ bị vô hoạt và tiêu diệt bởi các chất sát trùng, cũng như chất tẩy rửa (bột giặt, xà bông…). Vì vậy, nếu tại hộ gia đình không có sẳn thuốc sát trùng, trong trường hợp nghi ngờ bệnh ASF có thể sử dụng bột giặt, xà bông để làm chất sát trùng.
Thức ăn từ phụ phế phẩm ngành heo hoặc từ nhà bếp phải được nấu chin kỹ, ít nhất ở 70OC trong vòng 30 phút mới có thể được sử dụng. Sai sót phổ biến đối với người chăn nuôi sử dụng phụ phế phẩm ngành heo hoặc từ nhà bếp đó là họ chỉ tập trung xử lý diệt ASF virus trong phụ phế phẩm mà quên rằng người , trang thiết bị vận chuyển thức ăn cũng là nguồn lây truyền ASF virus và cũng cần phải vệ sinh - tiêu độc để loại trừ ASF virus.
Người chăm sóc heo; người, dụng cụ, thiết bị… vận chuyển thức ăn phụ phế phẩm nhà bếp để cho heo ăn, hoặc đã đi đến chuồng heo khác, khu vực có bệnh ASF hoặc trước khi đi từ chuồng heo nhà mình sang khu vực khác… phải được rửa (dụng cụ, thiết bị), tắm sạch (người) bằng xà bông trước khi ra chuồng. chăm sóc, cho heo ăn.

Tác giả & bản quyền thuộc: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi – Thú y, Đại học Nông Lâm Tp. HCM