BỆNH DO VI KHUẨN ĐƯỜNG MÁU
MYCOPLASMA SUIS (EPERYTHROZOON SUIS)
Bệnh thiếu máu do vi khuẩn Mycoplasma suis (tên gọi trước đây là Eperythrozoon suis), thường bị gọi nhầm là bệnh ký sinh trùng đường máu, được ghi nhận phổ biến ở các đàn heo trên thế giới từ nhiều năm trước, tuy nhiên tại Việt Nam bệnh chỉ mới được đề cập đến trong khoảng vài năm gần đây. Vi khuẩn bám lên bề mặt hồng cầu, gây biến dạng, hư hại, làm sụt giảm số lượng cũng như chức năng của hồng cầu, dẫn đến nên tình trạng thiếu máu, vàng da ở heo bệnh, làm tăng tỷ lệ bệnh và chết ở heo sau cai sữa. Ngoài ra, vi khuẩn còn được cho là có liên quan đến rối loạn sinh sản trên nái, gia tăng cảm nhiễm bệnh lý đường ruột và đường hô hấp. Việc kiểm soát bệnh đúng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi heo, bao gồm cả năng suất sinh sản.
Tác nhân gây bệnh
Mycoplasma suis (tên gọi trước đây là Eperythrozoon suis) thuộc Giống Mycoplasma, nhóm vi khuẩn đường máu, có dạng hình cầu hoặc oval, kích thước khoảng 0,8 μm – 2,5 μm, có thể quan sát được dưới kính hiển vi quang học ở độ phóng đại khoảng 1.000 lần. M. suis sống trên bề mặt tế bào hồng cầu, chưa thể nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo, và chỉ phát triển trong cơ thể heo sống, có lẽ vì vậy chúng bị gọi là ký sinh trùng đường máu. Hiện tại, để thu nhận M. suis phục vụ cho các nghiên cứu các nhà khoa học phải sử dụng máu của những heo nhiễm để gây nhiễm cho heo sạch bệnh. M.suis được xem là tác nhân gây bệnh thiếu máu vàng da do nhiễm trùng ở heo (IAP – Infectious anemia in pig) ở heo mọi lứa tuổi (heo cai sữa, heo choai, thịt, nái) và có thể gây rối loạn đông máu, xuất huyết.
2. Dịch tễ
M. suis lây nhiễm qua đường máu. Lây nhiễm dọc có thể xảy ra cho heo con khi heo mẹ nhiễm M. suis. Ngoài ra, heo còn có thể bị lây nhiễm M. suis qua các dụng cụ thú y (kim tiêm, dụng cụ phẩu thuật), vết chích côn trùng... Sự lây nhiễm trại từ bên ngoài vào chủ yếu do việc nhập heo nhiễm vào trong trại. Heo bệnh do M. suis hồi phục sau điều trị hoặc heo lớn nhiễm M. suis thể nhẹ có thể chuyển sang tình trạng mang trùng, là vật chủ lưu cữ và truyền lây mầm bệnh. Do ít có thông tin về bệnh do M. suis và heo bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh phổ biến khác trên heo như bệnh do Circovirus type 2, bệnh do Leptospira, bệnh do thiếu sắt… việc chẩn đoán và kiểm soát bệnh không được chặt chẽ, dẫn đến M. suis lây nhiễm nhanh bên trong trại và giữa các trại heo, nhất là tại Việt Nam. Tỷ lệ trại heo nhiễm M. suis có thể rất cao, và tỷ lệ heo nhiễm có thể đến 100%. Stress do nhiệt độ, ẩm độ, thiến heo… là những yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh do M. suis.
3. Miễn dịch
M. suis cũng gây đáp ứng tạo kháng thể ở thú nhiễm và có thể sử dụng phương pháp huyết thanh học để xét nghiệm kháng thể đặc hiệu với M. suis chẩn đoán nhiễm M. suis. Tuy nhiên, do M. suis không nuôi cấy được trong điều kiện nhân tạo nên việc nghiên cứu về miễn dịch của M. suis chưa được thực hiện nhiều. Hiện nay vẫn chưa có quy trình chuẩn hay các bộ kít thương mại được sử dụng chẩn đoán M. suis dựa trên miễn dịch.
Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên kết bám M. suis cho thấy có sự đáp ứng mạnh tạo miễn dịch dịch thể và trung gian tế bào chống lại M. suis. Mặc dù, việc tiêm vắc-xin làm tăng haemoglobin và hồng cầu so với heo không được tiêm vắc-xin, miễn dịch này lại không có khả năng bảo vệ heo khi bị công cường độc.
4. Triệu chứng và bệnh tích
Bệnh lý chính do M. suis liên quan đến số lượng và khả năng hoạt động của hồng cầu, gây tình trạng vàng da thiếu máu ở tất cả các nhóm heo. Bệnh lý thiếu máu dẫn đến những tác động xấu đến năng suất sinh sản và khả năng cảm nhiễm với các bệnh truyền nhiễm. Bệnh do M. suis có thể xuất hiện ở 2 thể: cấp và mãn. Biểu hiện và thiệt hại do bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm M. suis của heo tại trại. Heo con, cai sữa, nhiễm M. suis ở mức nhiễm cao, sẽ có biểu hiện vàng da, heo phát triển kém, chậm lớn, tình trạng bệnh nhiễm trùng trên đường hô hấp và tiêu hoá gia tăng do suy giảm miễn dịch. Heo sơ sinh có biểu hiện run, đi đứng không vững do hạ đường huyết. Tỷ lệ chết, loại thải cao 50 - 60%, một vài trường hợp có thể đến 90% (thể cấp). Heo nái nhiễm bệnh có năng suất sinh sản thấp, Ở mức độ nhiễm thấp, heo bệnh không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
4.1 Triệu chứng
* Thể cấp
Heo nhiễm M. suis thể cấp sẽ có biểu hiện vàng da, xanh xao, gầy yếu, phát triển kém, vành tai có thể có màu tím bầm. Ở heo con sơ sinh đến 5 ngày tuổi, có thể xuất hiện dấu hiệu yếu chân, heo con run, đi không vững, co giật do hạ đường huyết. Heo choai, thịt nhiễm M. suis thể cấp, biểu hiện lờ đờ, có thể có tình trạng giảm lượng đường trong máu, co giật, thậm chí hôn mê và chết. Heo nái nhiễm M. suis thể cấp ngoài những dấu hiệu trên còn kèm theo sốt cao (40 – 41OC), chậm lên giống, có thể sẩy thai, gia tăng số heo chết khi sinh, năng suất sinh sản thấp.
* Thể mãn
Một số heo sau khi xuất hiện bệnh ở thể cấp có thể hồi phục, chuyển sang thể mãn. Heo bệnh M. suis thể mãn thể trạng kém, biểu hiện vàng da, chậm lớn, da khô, lông xù, suy giảm miễn dịch khiến heo dễ mẫn cảm với các bệnh trên đường hô hấp.
4.2 Bệnh tích
Các chỉ số máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là số lượng hồng cầu, tiểu cầu. Máu loãng, hồng cầu bị biến dạng hình sao, giảm hoặc mất chức năng sinh lý. Ở heo cai sữa, heo choai, có thể xuất hiện bệnh tích loét da ở những vùng rìa tai, đuôi, mõm. Mổ khám có thể ghi nhận được các bệnh tích như: vách tim mỏng, tim nhão, lách sưng, gan sậm màu, tràn dịch xoang bụng, ngực, bao tim; hạch sưng.
5. Chẩn đoán
5.1 Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng dựa vào triệu chứng run rẩy của heo con theo mẹ, heo con vẫn bú mẹ và triệu chứng này biến mất sau khi heo được bú sữa mẹ. Ở heo sau cai sữa, heo choai, chẩn đoán dựa trên dấu hiệu vàng da; lông da khô, xù; các vết lở loét ở rìa tai, đuôi… Tuy nhiên, chẩn đoán lâm sàng chỉ có tính định hướng, không đủ để khẳng định bệnh.
5.2 Chẩn đoán phòng thí nghiệm
* Chẩn đoán kháng nguyên
- Nhuộm Giemsa tiêu bản máu và quan sát dưới kính hiển vi: lấy mẫu máu kháng đông làm tiêu bản, nhuộm Giemsa và quan sát dưới kính hiển vi vật kính dầu. M. suis có màu nâu tím, dạng cầu hoặc trực ngắn trên bề mặt hoặc ở rìa của hồng cầu. Bệnh ở thể cấp, M. suis hiện diện nhiều trong mẫu, hồng cầu chưa hoặc ít biến dạng. Ở thể mãn, hồng cầu biến dạng hình sao, M. suis hiện diện rất ít, khó quan sát.
Xét nghiệm bằng PCR: mẫu máu kháng đông có chứa hồng cầu. Kỹ thuật cho kết quả chính xác, nên sử dụng trong trường hợp bệnh thể mãn.
* Chẩn đoán kháng thể
Có thể sử dụng kỹ thuật HI, ELISA. Tuy nhiên chưa có kit thương mại.
5.3 Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác cũng gây triệu chứng vàng da, hoại tử da như bệnh do Salmonella, bệnh liên quan PCV2 (PCVAD - Porcine circovirus associated disease), nhiễm độc tố nấm, viêm gan, thiếu máu do thiếu sắt…
6. Phòng và trị
6.1 Phòng bệnh
Hiện tại chưa có vắc-xin để phòng bệnh do M. suis. Việc phòng bệnh cần kết hợp các biện pháp quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh nhóm tetracyclines (tetracycline, oxytetracycline, doxycycline, chlotetracycline). Do bệnh lây nhiễm qua đường máu và có thể lây truyền từ mẹ sang con, vì vậy để phòng bệnh cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
- Kiểm tra tình trạng nhiễm suis ở heo hậu bị trước khi nhập đàn. Heo hậu bị nhiễm phải được điều trị bằng tetracyclines trong vòng 7 – 10 ngày, lặp lại việc điều trị sau 1 tháng.
- Sử dụng kim tiêm riêng cho mỗi bầy heo con theo mẹ hoặc cho mỗi cá thể heo sau cai sữa trở đi. Tiệt trùng nghiêm ngặt các dụng cụ cắt rang, cắt rốn, cắt tai.
- Quản lý tốt các yếu tố nguy cơ gây tổn thương da của heo: không để heo giành vú, cắn tai, cắn đuôi…
6.2: Trị bệnh
- Thể cấp: Tiêm kháng sinh tetracyclines với liệu trình 7 – 10 ngày. Nên sử dụng kháng sinh có tác dụng kéo dài để giảm số lần tiêm và stress cho heo. Sau 1 tháng, cấp kháng sinh tetracyclines với liều điều trị qua đường miệng, trong vòng 7 – 10 ngày.
- Thể mãn: cấp kháng sinh qua đường miệng (thức ăn hoặc nước uống) với liệu trình 7 – 10 ngày. Lặp lại liệu trình sau 1 tháng.
Lưu ý: M. suis nhạy cảm với arsenic hữu cơ, tuy nhiên hoá chất này độc hại với người tiêu dùng và heo, vì vậy hạn chế sử dụng, nhất là không được sử dụng trên nhóm heo sản xuất thịt.
7. Kiểm soát
- Kiểm tra tình trạng nhiễm M. suis ở heo hậu bị trước khi nhập đàn để có giải pháp phù hợp.
- Xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm ở heo nái và heo cai sữa. Trong trường hợp mức độ nhiễm bệnh nghiêm trọng, cần áp dụng quy trình phòng trị sau: Tiêm kháng sinh tetracyclines toàn bộ nhóm heo nhiễm, trong vòng 7 – 10 ngày. Lặp lại liệu trình điều trị 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng, với liều điều trị qua đường miệng, trong vòng 7 – 10 ngày. Sau lần điều trị thứ hai, lấy mẫu máu kháng đông để đánh giá tình trạng nhiễm qua đó có biện pháp xử lý thích hợp.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải. ĐHNL TP.HCM
Tài liệu tham khảo
- K. Groebel, K. Hoelzle, M. M. Wittenbrink, U. Ziegler, and L. E. Hoelzle, 2009. Mycoplasma suis Invades Porcine Erythrocytes. Infection and Immunity, p. 576–584 Vol. 77, No. 2.
- Sharon M. Gwaltney, 1995. Eperythrozoon suis infections in pigs: Clinical syndromes and diagnosis. SwineHealth and Production- january and February, 1995.