TẠI SAO CẦN DIỆT KHUẨN?
Vi khuẩn là nhóm tác nhân gây bệnh phổ biến nhất trên tôm, đặc biệt là Vibrio:
- Vi khuẩn V. harveyi gây bệnh phát sáng trên ấu trùng tôm, vi khuẩn này cũng được cho là gây bệnh đỏ trên tôm thẻ chân trắng.
- Vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và gần đây một biến chủng của vi khuẩn này gây bệnh TPD trên hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng.
- Một bệnh khác cũng gây nhiều thiệt hại cho nghề nuôi tôm là bệnh phân trắng (WFS), tác nhân gây bệnh được xác định là vi khuẩn V. alginolyticus và EHP gây nên.
Ngoài ra, bệnh đốm đen, mòn vỏ, đứt râu và phụ bộ cũng được cho là do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, diệt khuẩn cho nước ao nuôi là cần thiết nhằm làm giảm mật độ vi khuẩn xuống mức thấp nhất có thể, hạn chế khả năng gây bệnh cho tôm.
Cần lưu ý rằng, không có loại hóa chất nào có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn trong ao nuôi. Mà tùy từng trường hợp mới có sự lựa chọn tối ưu nhất.
VÙNG TÁC ĐỘNG VÀ ĐỘ MẠNH CỦA CHẤT DIỆT KHUẨN?
Mỗi loại chất diệt khuẩn có vùng tác động lên tế bào vi khuẩn khác nhau. Tùy vào vùng tác động của chất diệt khuẩn mà hoạt tính của chúng sẽ khác nhau, dựa vào hoạt tính chất diệt khuẩn được chia thành 3 nhóm sau:
Nhóm Diệt Khuẩn | Vùng tác động | Sản phẩm |
An toàn Thường dùng định kỳ khi đang nuôi tôm | Vách tế bào Có thể tiêu diệt tất cả tế bào sinh dưỡng của vi khuẩn (trừ vi khuẩn lao), virus có chứa lipid, một số virus không chứa lipid và một số nấm. Cơ chế: Gây cản trở quá trình tổng hợp, làm tan rã hoặc giảm tính ổn định của vách tế bào. | |
Màng tế bào & enzyme Có thể tiêu diệt tất cả tế bào sinh dưỡng của vi khuẩn, virus có chứa lipid và một số virus không chứa lipid, bào tử nấm. Cơ chế: Gây kết chặt hoặc nới lỏng màng tế bào vi sinh vật (bao gồm virus), mất tính thấm chọn lọc gây rò rỉ tế bào chất; Hoặc gây mất hoạt tính của enzyme hay làm biến tính protein. | ||
Mạnh Thường dùng xử lý nước đầu vụ tôm | Tổn hại vật chất di truyền Có thể tiêu diệt hầu hết vi khuẩn, virus và bào tử vi khuẩn khi nồng độ đủ cao. Cơ chế: Làm ngừng quá trình sao chép và giải mã của ADN, gây đột biến. Các chất oxy hóa có tác dụng gián tiếp thông qua các gốc tự do (Chlorine, TCCA) làm ức chế quá trình tổng hợp ADN. |
Trong vụ nuôi tôm, diệt khuẩn được áp dụng ở hai trường hợp khác nhau, diệt khuẩn nguồn nước đầu vụ và diệt khuẩn định kỳ trong quá trình nuôi.
Diệt khuẩn nguồn nước đầu vụ nuôi:
Nguồn nước nuôi tôm thường được sử dụng là nước mặt từ sông hoặc kênh rạch trong vùng nuôi tôm. Nguồn nước này thường không an toàn do trong nước có thể chứa mầm bệnh có nguồn gốc từ nước thải của các ao nuôi tôm khác, đặc biệt là ao nước thải từ ao nuôi bị nhiễm bệnh. Vì vậy, khi sử dụng nguồn nước mặt để nuôi tôm cần xử lý qua lắng, lọc và diệt khuẩn. Nguồn nước đầu vụ (khi chưa thả tôm) thường được xử lý bằng các chất diệt khuẩn mạnh như Anti-Parasite với liều cao nhằm đảm bảo diệt hầu hết vi sinh vật gây bệnh.
Khi hòa tan Anti-Parasite vào nước sẽ sinh ra hai hoạt chất HOCl (E0=1,49V) và OCl- (E0=0,89V), tỉ lệ của hai hoạt chất này phụ thuộc vào độ pH của nước, khi pH<5,5 thì HOCl chiếm tỉ lệ 100%, pH=7,5 thì HOCl chiếm 50% và OCl- chiếm 50% và khi pH>10 thì OCl- chiếm 100%. Do điện thế oxy hóa của HOCl cao hơn nên hoạt tính diệt khuẩn cao hơn so với OCl-, hơn nữa HOCl không tích điện nên HOCl dễ dàng khuếch tán qua màng tế bào, trong khi OCl- tích điện âm nên khó đi qua màng tế bào (Hình 2). Vì vậy, hoạt tính diệt khuẩn của HOCl thường cao hơn 100 lần so với OCl-.
Có thể kết hợp Anti-Parasite với H2O2 để làm tăng độ mạnh của chlorine bởi vì chlorine phản ứng với H2O2 sẽ sinh ra gốc tự do HO• có điện thế oxy hóa rất cao (E0=2,86) và khả năng diệt khuẩn mạnh hơn HOCl (Hình 2).
Cần lưu ý rằng, liều lượng chất diệt khuẩn trong trường hợp này khá cao nên dư lượng còn duy trì trong thời gian khoảng 3-5 ngày trong điều kiện có ánh sáng và sục khí. Cho nên, chỉ nên thả giống sau 5 ngày xử lý diệt khuẩn.
Hơn nữa, sau khi diệt khuẩn thì hầu hết vi khuẩn đã bị tiêu diệt kể cả vi khuẩn có lợi, cần phải bổ sung chế phẩm vi sinh (Probisol, Vime-bitech) giúp cân bằng quần thể vi sinh vật trong ao nuôi.
Diệt khuẩn định kỳ:
Diệt khuẩn định kỳ được áp dụng trong trường hợp mật độ vi khuẩn có hại, như vi khuẩn Vibrio (khuẩn lạc xanh) đạt khoảng 100 CFU/mL nước hoặc 100 CFU/g bùn. Đặc biệt, khi phát hiện có sự xuất hiện của vi khuẩn V. parahaemolyticus hoặc tôm có dấu hiệu bị phân trắng cũng nên áp dụng biện pháp diệt khuẩn. Do trong ao đang có tôm cho nên việc lựa chọn loại hóa chất và liều lượng sử dụng là rất quan trọng, nếu dùng loại hóa chất có hoạt tính mạnh hoặc liều cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, nhưng nếu dùng loại hóa chất có hoạt tính yếu hoặc liều thấp sẽ không diệt được vi khuẩn. Hai loại diệt khuẩn thường được sử dụng để diệt khuẩn định kỳ là Vimekon và Vime-Iodine, hai loại này có thể làm giảm mật độ vi khuẩn có hại nhưng an toàn cho tôm.
Cần lưu ý rằng, diệt khuẩn định kỳ chỉ làm giảm mật độ vi khuẩn có hại xuống dưới mức có khả năng gây bệnh chứ không tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh. Mật độ vi khuẩn có hại có thể gia tăng trở lại, do đó cần phải theo dõi thường xuyên mật độ vi khuẩn có hại và xử lý diệt khuẩn cho lần tiếp theo.
Ngoài ra, chất diệt khuẩn cũng có tác dụng làm giảm mật độ vi khuẩn có lợi có nguồn gốc từ chế phẩm vi sinh nếu xử lý không đúng thời điểm. Vì vậy, việc xác định thời điểm diệt khuẩn và bổ sung chế phẩm vi sinh trong một chu kỳ xử lý nước ao là hết sức quan trọng. Thông thường, vi khuẩn có lợi (nguồn gốc từ chế phẩm vi sinh) sẽ phát triển qua 4 pha trong thời gian khoảng 7-10 ngày, khoảng thời gian này phụ thuộc vào cơ chất có trong môi trường nước: (i) Pha chậm (pha tiềm phát), ở giai đoạn này vi sinh vật thích nghi dần với môi trường, tổng hợp vật chất cho quá trình phân chia tế bào; (ii) Pha tăng sinh (pha lũy thừa), tế bào vi khuẩn phân chia theo cấp số nhân và đạt mật độ cực đại ở của pha; (iii) Pha quân bình (cân bằng), giai đoạn này chất dinh dưỡng giảm hoặc mất cân bằng làm cho quá trình tăng sinh giảm, tỉ lệ sinh bằng tỉ lệ chất; (iv) Pha suy tàn (suy vong), do dinh dưỡng cạn kiệt, tế bào già nên mật độ vi khuẩn giảm dần. Dựa trên quy luật phát triển của vi khuẩn có lợi, thời điểm thích hợp để sử dụng chất diệt khuẩn là vào cuối chu kỳ phát triển (pha suy tàn) của vi khuẩn có lợi có nguồn gốc từ chế phẩm vi sinh. Sau khi diệt khuẩn, cần bổ sung chế phẩm vi sinh để tạo một chu kỳ phát triển mới.
Trong trường hợp nước ao bị nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus hoặc tôm bị bệnh phân trắng có thể áp dụng biện pháp cắt thức ăn 1-2 ngày nhằm để cho tôm đói và chúng thải hết phân ra ngoài, trong khoảng thời gian cắt thức ăn áp dụng biện pháp xử lý diệt khuẩn cho nước ao. Sau khi xử lý diệt khuẩn 24-48 giờ, cho tôm ăn trở lại với thức ăn có trộn chế phẩm vi sinh (vi sinh đường ruột) đồng thời bổ sung chế phẩm vi sinh vào nước và đáy ao (vi sinh tạt).
LƯU Ý KHI XỬ LÝ HÓA CHẤT KHỬ TRÙNG
Hóa chất diệt khuẩn cần được phân tán đều và tiếp xúc với đáy ao. Để thực hiện đều này hóa chất cần được hòa tan với một lượng nước vừa đủ để tạt đều khắp mặt nước ao, sau đó chạy quạt nước (sục khí) để hóa chất phân tán đồng đều trong nước.
Cần lưu ý, các chất diệt khuẩn có tính oxy hóa như Anti-Parasite, Vime-Iodine, thuốc tím dễ mất tác dụng dưới ánh sáng mặt trời cho nên không nên xử lý vào thời điểm có ánh sáng mạnh (buổi trưa). Hơn nữa, trong điều kiện ánh sáng cao thì nhiệt độ sẽ tăng làm tăng sự mẫu cảm của tôm đối với chất diệt khuẩn.
Các chất diệt khuẩn thường làm giảm mật độ tảo trong ao dẫn đến ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan. Vì vậy, khi diệt khuẩn cần chú ý đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ, cần có biện pháp dự phòng tình huống này xảy ra.
Không tùy ý phối trộn các chất diệt khuẩn với nhau nếu như không biết rõ tính chất hóa học của chúng bởi vì hóa chất có thể phản ứng với nhau làm mất tác dụng hoặc sinh ra chất độc hay chất dễ cháy nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Trung tâm R&D Vemedim Corporation
Tài liệu nội bộ thuộc sở hữu của Vemedim Corporation
