Thông tin kĩ thuật - HỘI CHỨNG BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA Ở CHÓ
HỘI CHỨNG BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA Ở CHÓ

Nguyên nhân

*Tiêu chảy thông thường: Một số nguyên nhân gây tiêu chảy thông thường:

- Stress: Thí dụ nếu chó không quen đi xe, khi mang tới thú y, cho chó vào lồng, có thể làm nó tiêu chảy. Thường bệnh sẽ qua rất nhanh.

- Thay đối thức ăn đột ngột: Một số giống chó rất nhạy cảm với việc thay đổi thức ăn, dẫn đến tiêu chảy. Do đó, phải thay đổi thức ăn từ từ trong 1-2 tuần.

- Thức ăn thừa: bị hư, nhiều mỡ, có vật lạ (ví dụ như mảnh xương cứng như xương gà) hoặc cho ăn quá nhiều,…Chó trưởng thành khi bị tiêu chảy thông thường có thể khống chế bằng cách cắt thức ăn. Khi dạ dày chó rỗng 12-24 giờ, ruột sẽ được nghỉ, có thời gian lành viêm sưng và  ruột sẽ không có gì để đẩy ra. Hiếm trường hợp chó trưởng thành bị hạ lượng đường máu khi bị cắt ăn. Nếu thấy chó có vẻ yếu, ngủ lịm hay suy kiệt có thể cho uống đường glucose hay mật ong trên nướu trong khi chuẩn bị đưa đến thú y.

* Tiêu chảy nguy hiểm: khi tiêu chảy là biểu hiện của nhiều bệnh nghiêm trọng trên chó như:

- Các bệnh do virus gây ra: Carré (Distemper), Parvovirus, Viêm gan (Hepatitis),…

- Các bệnh do vi khuẩn gây ra: Leptospira, E.coli, Salmonella, …

- Bệnh do ký sinh trùng, nguyên sinh động vật gây ra hoặc cùng kết hợp như: giun đũa, giun móc, giun tóc, sán, cầu trùng, Giardia,…

Triệu chứng: Chó con dưới 8 tháng tuổi thường mắc bệnh truyền nhiễm hơn chó lớn. Nếu chó có bất kỳ biểu hiện nào sau đây, hãy nghĩ tới các nguyên nhân gây tiêu chảy nguy hiểm:

- Phân đen với các sợi nhầy

- Phân có mùi thối khắm, tanh máu

- Phân chứa những mảnh hồng cầu to

- Tiêu chảy kết hợp ói

- Có vẻ đau nhiều khi rặn

- Sốt

- Bỏ ăn

- Lơ mơ, hôn mê ngủ lịm

Một trong những vấn đề nguy hiểm khi bị tiêu chảy là mất nước. Mất nước là thoát dịch cơ thể, kèm mất chất điện giải, trong đó có các khoáng Na, Cl, K. Chó bỏ ăn, không uống làm gia tăng sự mất nước. Sốt, ói cũng gây mất nước. Dấu hiệu mất nước được đánh giá qua mức đàn hồi da, dấu hiệu khô miệng, trũng mắt, truỵ mạch và có thể chết.

Điều trị:

Nếu chó mất nước: nhanh chóng bù nước.

- Mất nước nhẹ, không kèm ói có thể cấp nước bằng đường uống: Pha dung dịch điện giải Electrolyte. Nếu chó không uống, dùng ống tiêm bơm vào má nó 1-2 ml/kg thể trọng/giờ.

- Nếu tiêu chảy kèm theo ói: việc chó uống sẽ càng kích thích làm chó ói nhiều hơn nên phải cấp nước bằng đường tiêm truyền. Các đường tiêm truyền: Tiêm dưới da; Tiêm xoang bụng; Truyền tĩnh mạch

- Các loại dịch truyền: Dung dịch sinh lý đẳng trương: Sinh lý mặn (NaCl 0,9%), Sinh lý ngọt (Glucose 5%), Lactate ringer; Dung dịch ưu trương: Glucose 10%, 30%;  Dung dịch bổ sung khác: Đạm (Aminovit, Vimelyte-IV), Khoáng (Vime Canlamin, Canxi-Magne), Vitamin ( Hematopan-B , K, Babevit, Depancy, Vimekat,…)

- Lượng truyền: trung bình 10-20 ml/ kg thể trọng (tùy tình trạng mất nước). Để chẩn đoán chính xác phải làm một số xét nghiệm, chú ý kiểm tra phân vì ký sinh trùng đường ruột thường là nguyên nhân khởi phát cho các bệnh đường tiêu hóa chó. Một số bệnh truyền nhiễm do virus gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, có thể sử dụng kháng sinh để kiểm soát tiêu chảy, phòng nhiễm trùng kế phát.

- Kháng sinh có thể chọn lựa:

+ Amoxi 15 % LA: 1 ml/7 kg thể trọng, ngày 1 lần Kết hợp Metronidazone: 1 ml/0,3 kg thể trọng, ngày 1 lần

+ hoặc Vimefloro FDP: 1 ml/5 kg thể trọng, ngày 1 lần   Kết hợp Septryl 240: 1 ml/10 kg thể trọng, ngày 1 lần.

+ hoặc Enroxic LA: 1 ml/15 kg thể trọng, ngày 1 lần   Kết hợp Septryl 240: 1 ml/10 kg thể trọng, ngày 1 lần

- Thuốc trị triệu chứng:

+ Atropin: 1 ml/5 kg thể trọng

+ Vitamin B6: 1 ml/5 kg thể trọng (khi có ói)

+ Vitamin K: 1 ml/5 kg thể trọng (khi tiêu chảy máu, ói máu)

+ Primperan: 1 ml/10 kg thể trọng (chú ý tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hoá của primperan)

 

+ Anti-Scour: 1,2 ml/kg thể trọng.

 

+ Vizyme: 1 gam/5 kg thể trọng (tăng cường tiêu hoá)

 

Phòng bệnh: Cho chó ăn thức ăn nấu chín, không cho ăn thịt sống và trứng sống, vì trong thịt sống và trứng sống dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa như: vi khuẩn thương hàn, trực khuẩn yếm khí, vi khuẩn E.coli. Không cho chó ăn thức ăn ôi thối, cho uống nước sạch không nhiễm bẩn. Thực hiện tẩy giun sán định kỳ cho chó bằng Vimectin for dog 0,1%, hoặc Fenben 10% cứ 2-4  tháng tẩy 1 lần để tránh gây tác hại cơ giới dẫn đến viêm ruột cấp. Định kỳ tiêm phòng vaccine 5 bệnh Nobivac DHPPi-L.

Vietnamese