Gần đây, bệnh “gạo” xuất hiện trên cá tra nuôi tại một số trang trại vùng Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ,...gây thiệt hại đáng kể cho bà con. Bệnh không gây chết nhưng làm giảm năng suất, tỉ lệ nhiễm cao, tỉ lệ thịt mất phẩm chất cao và nếu không phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ thì toàn bộ sản phẩm làm ra đôi khi không tiêu thụ được. Một số thông tin về bệnh “gạo” cá trong tài liệu này nhằm giúp bà con chủ động phòng ngừa một cách hiệu quả.
BIỂU HIỆN BỆNH
Cá bệnh bơi lội không bình thường, quẩy mạnh, dị hình, cong đuôi, cá giảm ăn dần rồi chết. Bắt cá kiểm tra bên ngoài thấy da bị sây sát, có thể tuột da lốm đốm (mất màu).
Một số cá bệnh lâu da sần, có những nốt đen (như dính mực), cơ gầy. Cá bệnh nặng có những tổn thương trên da như bị thủng lổ nhỏ li ti, các tổn thương này không kèm vết xuất huyết. Trường hợp cá bệnh lâu, suy yếu cơ chế tự bảo vệ có thể bị kế phát bệnh khác do nhiễm khuẩn phức tạp, có thể có thêm nhiều triệu chứng khác.
MỔ KHÁM
Dùng dao (kéo) cắt vào cơ cá thấy có nhiều nốt màu trắng sữa. Nếu “gạo” mới hình thành, nốt gạo có dịch sệt sệt như mủ đục chảy ra. Nếu “gạo” đã chín (già), nốt gạo có viền bờ rõ ràng nhờ lớp vỏ bọc kitin, hạt gạo trở nên cứng. Gạo thường nằm ở phần cơ lưng, hai bên hông cá. Gan sưng, sung huyết, túi mật sưng to, ruột và môn vị đầy dịch nhầy.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
“Gạo” trong thịt cá là do ký sinh trùng có khả năng hình thành bao nang trong cơ. Có rất nhiều loại trong hai lớp vi bào tử trùng (Microsporidae ngành Microsporidia) và thích bào tử trùng (Myxosporidia ngành Cnidosporidia) gây ra bào nan trong ký chủ, nhưng có một số họ gây bệnh trên cá nước ngọt: Glugeidae, Myxidiidae, Ceratomyxidae, Myxobilatidae, Myxobolidae.
Khi xâm nhập vào kí chủ (cá) qua đường tiêu hóa, dưới tác động của dịch tiêu hóa, bào nang thoát khỏi vỏ bọc phóng thích các bào tử trùng (ấu trùng), chúng xuyên qua niêm mạc ruột theo mạch máu xâm nhập tế bào, mô cơ, các tổ chức của cơ thể ký chủ. Tại đây chúng tăng sinh, hình thành kén hợp tử hoặc nang sán. Do bào nang của vi bào tử trùng (hoặc thích bào tử trùng) có hình thái giống hạt gạo nên người nuôi thường gọi chúng là bệnh “gạo” cá.
Hạt “gạo” có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước 1-4mm, màu trắng đục tập trung vùng cơ lưng, cơ đuôi (hình thái này khác với nang sán ký sinh trên cá, có màu đen, tròn nhỏ và thường ở dưới da).
Qua thực tế mổ khám và quan sát tiêu bản vi thể mô cá bệnh thu thập về, thấy có sự hiện diện của nhiều bào nang, mỗi bào nang chứa nhiều bào tử nhỏ hình quả lê. Cấu trúc này có nhiều đặc điểm tương tự cấu trúc của bào nang trùng vi bào tử (Microsporidia)
Khi cá nhiễm nặng, bào nang vi bào tử có thể hình thành trong một số tổ chức khác của cơ thể như gan, thận, ống mật làm cá suy nhược và chết. Khi cá chết, các bào tử từ các tế bào nhiễm phóng thích ra ngoài môi trường nước ao nuôi. Cá khỏe ăn phải các bào tử tự do dạng gây nhiễm này sẽ xuyên qua niêm mạc ruột vào máu đến xâm nhập các mô cơ, tăng sinh gây bệnh và tiếp tục chu kỳ.
Do các bào tử phát tán rất rộng trong môi trường nước nên nguy cơ nhiễm bệnh cho cá trong cùng ao nuôi, giữa các ao trong vùng lấy cùng nguồn nước rất cao. Ngoài ra, các loài chim ăn cá bệnh cũng phóng thích bào tử tự do trong phân vào môi trường ao nuôi làm lây lan bệnh trên diện rộng. Vì vậy khi có cá mắc bệnh gạo cần có biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt cho các ao nuôi lân cận và trong khu vực.
PHÒNG BỆNH
Thích bào tử trùng hoặc vi bào tử trùng ký sinh trong cơ cá, được bao phủ bởi một lớp vỏ nhầy bằng chất kitin của bào nang và lớp mô liên kết do cơ thể ký chủ tiết ra để cô lập bào nang nên khả năng xuyên thấu của thuốc qua bao nang rất hạn chế. Do đó, việc phòng bệnh cần được ưu tiên thực hiện:
- Sau mỗi vụ thu hoạch cần cải tạo ao thật kỹ, rải vôi bột và phơi đáy ao 3-7 ngày để diệt các bào tử trùng, các loại ký sinh trùng, vi trùng, virut trong nước và bùn đáy ao. Trong trường hợp không tát cạn được nước ao nuôi thì rút cạn nước ao nuôi ra bớt và xử lý bằng vôi CaO với liều cao 15-20kg/m2 để diệt mầm bệnh trong đáy ao.
*Chú ý: Tất cả các loại thuốc sát trùng như Protectol, Vime-Protex, Vimekon, khi dùng xử lý đáy ao thì không nên tạt trên mặt ao mà phải đưa thuốc xuống đáy ao.
- Định kỳ xử lý đáy ao bằng các loại thuốc sát trùng như Vime – Protex hoặc Vimekon. Tốt nhất nên sử dụng với liều lượng muối hạt 50-70kg/1.000m2.
- Khi thả giống phải kiểm tra bệnh gạo, nếu phát hiện phải loại bỏ.
- Trong quá trình nuôi định kì 15-20 ngày, xử lý ao bằng các sản phẩm Fresh water 1kg/1.500m3 nước hay Vime-Protex 1 lít/2.000m3 nước.
- Định kỳ sổ ký sinh trùng các loại 1 tháng/lần bằng các sản phẩm:
+ Vimax 1 lít/40-50 tấn cá/ngày, 2 ngày liên tục
+ Hoặc Vime-Clean concentrated 1kg/20 tấn cá/ngày, 2 ngày liên tục
- Hút sình đáy ao định kỳ (2 tháng/lần, đối với cá dưới 300gam, 1 tháng/lần đối với cá trên 300 gam). Sau mỗi lần hút ao, cần kết hợp xử lý đáy ao bằng các sản phẩm: Vime-Protex, Fresh water. Nên sử dụng muối hạt + Vimekon là tốt nhất.
Khi phát hiện bệnh trong ao phải cách ly ao hoàn toàn, khử trùng toàn bộ dụng cụ và thực hiện:
- Sát khuẩn nước ao nuôi: Protectol hay Vime-Protex 1 lít/1.500-2.000m3 nước, 4 ngày sử dụng 1 lần
- Bệnh gạo chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi phát hiện bệnh cần phải loại bỏ khỏi đàn những con bị nhiễm bệnh.
- Cá đẻ bị nhiễm: hủy.
- Cá mới bị nhiễm: tẩy cho toàn đàn với sản phẩm:
+ Vimax 1 lít/ 30-40 tấn cá/ngày, 2 ngày liên tục. Hai tuần sau nhắc lại.
+ Hoặc Vime-Clean concentrated 1kg/20 tấn cá/ngày, 2 ngày liên tục.
Phòng R&D công ty Vemedim
Tài liệu nội bộ thuộc sở hữu của Vemedim Corporation
