Thông tin kĩ thuật - MỘT SỐ BỆNH TRÊN CÁ BIỂN
MỘT SỐ BỆNH TRÊN CÁ BIỂN

 

1. BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG

1.1 Bệnh ký sinh trùng đơn bào 

Tác nhân gây bệnh gồm: 

  • Trùng lông (trùng quả dưa nước mặn) - Cryptocaryon irritans
  • Trùng lệch miệng – Brooklynella
  • Trùng bánh xe - Trichodina jadranica

Dấu hiệu bệnh:

  • Cá bị bệnh thường tập trung thành đám và nổi trên mặt nước, cá có biểu hiện ngứa ngáy và hay nghiêng mình. 
  • Quan sát trên da cá thường có đám màu trắng nhạt, trên mang cá xuất hiện các đốm trắng nhỏ li ti. Cá bị nặng toàn thân chuyển sang màu mốc bạc, tách đàn và chết. Bệnh gây chết rải rác đến hàng loạt sau 3- 7 ngày.

Đối tượng cá nuôi: cá biển ở giai đoạn giống, nhiễm trên da và mang cá.

1.2 Sán lá đơn chủ

1.2.1 Bệnh sán lá da (mè cá, vảy cá)

Tác nhân gây bệnh: Gồm bốn loài sán lá đơn chủ Neobenedenia melleni, Neobenedenia girellae, Benedenia epinepheli và Benedenia sp

Dấu hiệu bệnh: 

  • Cá bệnh thường bị cảm nhiễm sán lá đơn chủ (Monogenea) dạng hạt mè trên bề mặt cơ thể với cường độ cao có thể làm cá đục mắt, hoạt động không bình thường do ngứa ngáy, giai đoạn cuối thường nổi lờ đờ trên mặt nước.
  • Trường hợp nhiễm nặng, cá bệnh thể hiện đục mắt, suy kiệt sức khỏe mà chết.

Đối tượng cá nuôi: Cá mú, cá bớp, cá hồng, cá chẽm…

1.2.2 Bệnh sán lá mang (bệnh sưng mang, mủ mang)

Tác nhân gây bệnh: Pseudorhabdosynochus spp, Diplectanum spp, Haliotrema spp

Dấu hiệu bệnh: 

  • Cá bệnh thường hoạt động yếu, bỏ ăn, màu sắc nhợt nhạt. Khi bơi nắp mang phồng lên, mang tiết nhiều dịch nhầy (mủ mang).
  • Trường hợp bệnh nặng có thể gây chết cá rải rác hoặc hàng loạt, đặc biệt ở giai đoạn cá con.

Đối tượng cá nuôi: cá mú, cá hồng, cá chẽm

1.3 Bệnh rận cá

Tác nhân gây bệnh: 

  • Một số loài giáp xác bậc thấp thuộc giống Caligus spp, Parapetalus spLepeophtheirus sp (Caligidae: Copepoda) và Lernanthropus sp (Lernanthropidae: Copepoda)

Dấu hiệu bệnh: 

  • Cá bị bệnh do rận có hiện tượng kém ăn, chậm lớn, khi cảm nhiễm với mức độ cao gây cá chết rải rác. 
  • Khi quan sát bằng mắt thường thấy rõ từng đám rận cá (giáp xác ký sinh) bám từng đám ở các khe mang, hốc mắt, hốc mũi, xương cung mang, các tơ mang và trên bề mặt cơ thể.

Đối tượng cá nuôi: Cá bớp, cá chẽm, cá mú

1.4 Bệnh trùng mỏ neo nước mặn

Tác nhân gây bệnh: Therodamas sp

Dấu hiệu bệnh: 

  • Trùng mỏ neo bám trong xoang miệng cá (hình 9) gây xoang miệng bị thương, làm cá khó bắt mồi và làm cá gầy yếu có thể chết.

Đối tượng cá nuôi: Cá bớp, cá mú

1.5 Bệnh đỉa cá

Tác nhân gây bệnh: ký sinh trùng thuộc họ đỉa (Hirunidae)

Dấu hiệu bệnh: 

  • Đỉa ký sinh trên nắp mang, trên mang và da cá; hút chất dinh dưỡng. Nơi đỉa bám, mô bị phá hoại, cá bị mất máu, ảnh hưởng đến sinh trưởng, nếu bị nhiễm với cường độ cao là cho cá hô hấp khó khăn, cơ thể mất nhiều máu làm cho cá chết.

Đối tượng cá nuôi: Cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá hồng

2. BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỊ BỆNH KÍ SINH TRÙNG

  • Giảm mật độ cá nuôi trong lồng và giãn khoảng cách các bè nuôi
  • Tắm cá thường xuyên bằng nước ngọt (10-15 phút) khi đàn cá chưa có dấu hiệu bị bệnh hoặc bị nhiễm bệnh nhẹ. 
Sorpherol
  • Cho cá ăn một số thuốc tăng cường sức đề kháng như Sorpherol (Vitamin tổng hợp).
  • Khi cá dấu hiệu bị nhiễm bệnh, tắm cá bằng một số loại hóa chất như Vime-Iodine (PVP-Iodine) hoặc Vimekon (Potassium Monopersulfate). Liều lượng hóa chất dùng tắm cá theo chỉ dẫn trên bao bì. Lưu ý, cá mú (cá biển) thường rất nhạy với hóa chất (dễ bị sốc thuốc), cho nên cần thử thuốc trên một vài con cá trước khi sử dụng tắm cho cả đàn cá.

3. BỆNH DO VI KHUẨN

3.1 Bệnh mòn vây, cụt đuôi

Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Flexibacter sp. (vi khuẩn dạng sợi)

Dấu hiệu: 

  • Màu sắc nhợt nhạt hoặc đen tối, trên thân có từng vùng da bị mất nhớt, vây đuôi bị sơ và mòn cụt, có thể cụt đuôi hoàn toàn và hoại tử vào cả thân của cá. Miệng cá cũng có thể bị loét, mòn, mang cá bệnh nhợt nhạt. Mắt cá bệnh đôi khi bị lồi.

Đối tượng cá nuôi: cá mú, cá hồng, cá chẽm

3.2 Bệnh xuất huyết, lở loét

Tác nhân gây bệnh: Vibrio spp. (V. alginolyticus, V. parahaemolyticus V. vulnificus); Pseudomonas sp.; Streptococcus sp.

Dấu hiệu bệnh: 

  • Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, cá bơi trên tầng mặt và quanh thành lồng. Trên thân cá thường xuất hiện các vết thương tổn trên bề mặt cơ thể, tróc vẩy và xuất huyết dưới da, nặng hơn có các vết loét sâu trên bề mặt cơ thể các vết loét tấy đỏ to nhỏ khác nhau, xung quanh da phồng lên và có nhiều nhớt. 
  • Giải phẫu cá bệnh các cơ quan nội tạng gan, thận, lá lách có hiện tượng xuất huyết, ruột, dạ dày không có thức ăn.

Đối tượng cá nuôi: cá mú, cá bớp, cá chẽm.

3.3 Bệnh đốm trắng ở thận:

Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn Photobacterium damselae

Dấu hiệu bệnh: Cá bị bệnh thể hiện kém ăn, chậm lớn, giải phẫu bên trong cơ thể biểu hiện thận bị sưng, xuất hiện các đốm trắng dạng hạt trong mô thận, đôi khi gặp ở gan và tụy và gây chết cá rải rác.

Đối tượng cá nuôi: cá bớp

4. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ BỆNH DO VI KHUẨN

      Bệnh do vi khuẩn thường xảy ra sau khi cá bị nhiễm ký sinh trùng. Ký sinh trùng ký sinh gây ra các vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh cho cá. Vì vậy, để phòng bệnh mòn vây, cụt đuôi cần loại bỏ ký sinh trùng bằng cách tắm cá thường xuyên bằng nước ngọt (10-15 phút) để phòng các bệnh ký sinh trùng.

      Cho cá ăn thuốc tăng cường sức đề kháng và chữa lành vết thương như Sorpherol (vitamin tổng hợp). 

Vimekon (Cá)

      Khi cá bị nhiễm ký sinh trùng, tắm cá bằng một số loại hóa chất như Vime-Iodine (PVP-Iodine) hoặc Vimekon (Potassium Monopersulfate) để loại bỏ ký sinh trùng bám trên da, mang cá. Sau đó tắm kháng sinh (Oxytetracycline, Rifampicin…) để chống nhiễm trùng vết thương.

      Cho cá ăn một số loại kháng sinh (trộn vào thức ăn) như Doxycyline, Florfenicol, Tetracycline, Gentamycin, Erythromycin, Cefalexin… Liều lượng thuốc cho cá ăn theo chỉ dẫn trên bao bì. Lưu ý, cho cá ăn đủ 5-7 ngày liên tục để tránh hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh (lờn thuốc).

Lưu ý: 

      Kết quả nghiên cứu gần đây của Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ (Nguyễn Bảo Trung và Từ Thanh Dung, 2018) cho thấy hai loại thuốc Doxycyline và Florfenicol có độ nhạy 100% (chưa bị lờn thuốc) đối với vi khuẩn Vibrio alginolyticus, Streptococcus iniae và  Photobacterium damsela và gây bệnh trên cá biển ở vùng biển Kiên Giang. Kháng sinh Tetracycline và Sulfamethoxazole/trimethoprim có độ nhạy 87,5% đối với ba loài vi khuẩn trên. Các loại kháng sinh khác hầu như bị kháng (lờn thuốc) trên 50%. Hai loại kháng sinh Colistine sulfate và Streptomycin hầu như bị kháng hoàn toàn đối với ba loài vi khuẩn nêu trên.

      Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang (Nguyễn Thị Thùy Giang và Vương Thị Thoa, 2012) cho thấy vi khuẩn Flexibacter sp. nhạy với các loại kháng sinh Gentamycin, Cefalexin, Erythromycin nhưng kháng với các loại kháng sinh Nalidixic acid, Doxycyclin và Amoxicylin.

5. BỆNH DO VIRUS

5.1 Bệnh hoại tử thần kinh (bệnh cá bơi xoắn)

Tác nhân gây bệnh: Do virus VNN (Viral Nervous Necrosis) hoặc có tên khác VER (Viral Encephalopathy and Retinopathy)

Dấu hiệu bệnh: 

  • Cá bơi không định hướng (bơi quay tròn), kém ăn hoặc bỏ ăn. Thân đen sẫm, đặc biệt đuôi và các vây chuyển màu đen, mắt đục hoặc phồng to. Cá bệnh nặng hoạt động yếu, đầu “treo” trên mặt nước hoặc nằm ở dưới đáy lồng.

Đối tượng cá nuôi: Cá bớp, cá mú, cá chẽm

5.2 Bệnh khối u do virus

Tác nhân gây bệnh: Lymphocystivirus hay Lymphocystis disease virus (LCDV).

Dấu hiệu bệnh: 

  • Cá bệnh hình thành các nốt sần (mụn cơm) mắt thường có thể thấy được ở hầu hết hệ thống mạch ngoại biên. Các nốt sần có cấu tạo dạng viên sỏi, kích thước to nhỏ khác nhau, màu kem xám đến màu xám. 
  • Xuất hiện một số tế bào lympho nhiễm virus ở trong cơ, màng bụng (phúc mạc) và trên bề mặt của các cơ quan nội tạng. Tế bào Lympho trương to khổng lồ, kích thước tăng từ 50.000 - 100.000 lần về thể tích so với tế bào bình thường.

Đối tượng cá nuôi: 

  • Bệnh khối u tế bào Lympho xuất hiện ở trên hơn 140 loài, thuộc ít nhất 42 họ thuộc 9 bộ cá nước ngọt và cá nước mặn, gặp nhiều nhất ở ba bộ: Perciformes, Pleuronectiformes, Tetraodontiformes, ngoài ra còn gặp ở sáu bộ cá khác như:Clupeiformes, Salmoniformes, Ophidiiformes, Cyprinodontiformes...

Đối với các bệnh do virus gây ra đều không có cách trị, áp phương pháp phòng bệnh tương tự như phòng bệnh ký sinh trùng (tắm cá thường xuyên, cho ăn các loại thuốc tăng cường sức khỏe) để hạn chế các bệnh do virus gây ra.

Trên đây là một số thông tin mà Vemedim chia sẻ đến Quý bà con chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh hiệu quả. Chúc bà con có một vụ mùa bội thu.

Trung tâm R&D Vemedim Corporation

Tài liệu nội bộ thuộc sở hữu của Vemedim Corporation

Vietnamese